Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi
5/3/14

Có một nơi giấu những ý tưởng hay nhất chưa ai từng nghe, những phát minh vĩ đại nhất chưa ai từng thấy, những cuốn sách tuyệt vời nhất mà chưa ai từng đọc, đó là nơi nào? Có thể bạn đang nghĩ tới một cái hòm cũ nát trong hang cướp biển Carribean, hay phòng chứa bí mật trong Harry Potter, hoặc một nơi tưởng tượng nào đó… nhưng không, nó có thật. Đó chính là… nghĩa địa.
Vâng, bất cứ một ngôi mộ nào cũng đều có những kho báu như vậy. Tại sao? Đã bao giờ bạn có một ý tưởng hay, bạn tin chắc rằng nếu thực hiện thì sẽ rất tuyệt vời, song tới bây giờ nó vẫn chưa ra đâu vào đâu chưa? Có chứ (chúng ta hiểu nhau mà). Những con người dưới mộ kia cũng vậy, và với số tuổi gấp đôi gấp ba lần bạn, họ thậm chí còn có nhiều hơn!!!
Sau nhiều năm tiếp xúc những bệnh nhân ở giai đoạn cuối, nữ y tá người Úc Bronnie Ware đã viết cuốn sách “The Top 5 Regrets of Dyings” nói về những điều người ta nuối tiếc nhất trước khi chết. Những điều này đều là những việc họ thực sự mong muốn, những việc có thể tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời họ, và biết đâu lại có cả những việc có thể tạo ra sự khác biệt cho cả thế giới nhưng họ thiếu thời gian để làm. Mà liệu có phải họ thiếu thời gian thật không?
Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết sự thật, đồng thời nắm trong tay một công cụ cực đơn giản, song cả tháng nay nó đã giúp mình dành được ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho ước mơ từng bị lãng quên. Nó cũng sẽ giúp bạn không bao giờ phải nuối tiếc như những người đi trước. Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện có thật nhé!
Một người đàn ông nghèo khó nọ mới trúng số 86400$, ông định dành 14000$ để mở một cửa hàng bán bánh, ước mơ cả đời mình. Khi gặp một người ăn xin, vì đang quá vui nên ông rút ra $10 và cho liền, người ăn xin cảm ơn rối rít. Rồi những người khác bắt đầu kéo đến, lúc đầu ông không định cho tiếp, nhưng vì trước đây mình cũng nghèo khó mà họ cũng có lý do chính đáng nên ông cho tiếp. 100$ cho một người để chữa bệnh, 200$ để một người cho con đi học v.v.. càng cho, ông cảm thấy càng vui, và khi người đã thưa bớt, ông ngồi đếm lại và giật mình khi chỉ còn khoảng $14400. Song ông vẫn cảm thấy may vì dù sao cũng còn đủ để thực hiện ước mơ, bỗng một tên cướp nhảy ra, và xin ông nốt số tiền còn lại. Ông đành ngậm ngùi đưa cho hắn, và nghèo vẫn hoàn nghèo.
Thật ra vừa rồi là một ẩn dụ, song nó thật theo cách riêng của nó. Mỗi ngày bạn sống 24 giờ, tức 86400 giây. Đã bao giờ bạn định làm một thứ gì đó khoảng 10 giây thôi, nhưng không ngờ sau đó lại mất đến cả nửa tiếng chưa? Hãy nhớ, người đàn ông kia lúc đầu cũng chỉ cho đi $10 thôi. Đã bao giờ bạn định một buổi sáng hoặc chiều (khoảng 4 tiếng) để thực hiện một kế hoạch nào đó, song có việc xen ngang khiến bạn bỏ dở nó chưa? Hãy nhớ, 4 giờ, 14400 giây, đó là số tiền ông ấy bị cướp.
Có thể bạn nghĩ rằng trong cuộc sống sẽ có lúc chúng ta gặp việc này việc kia, chúng ta bị “cướp” thời gian một cách trắng trợn. Đồng ý với bạn, song còn những lúc khác thì sao?
Tỷ phú người mỹ – Brian Tracy nói “Bạn không bao giờ có đủ thời gian để làm tất cả mọi thứ, nhưng bạn luôn có đủ thời gian để làm những thứ quan trọng nhất”. Đó chính là bí quyết giúp Brian Tracy trở thành ông vua của hiệu suất, suốt 30 năm qua ông đã viết 45 cuốn sách best-seller, tư vấn cho 10.000 công ty, giúp đỡ 5 triệu người trên khắp 55 quốc gia, một kỷ lục phi thường.
Người đàn ông nghèo khó kia đã phạm sai lầm là gì?
Ông chủ quan và cứ tưởng vài chục, vài trăm đô so với hàng chục ngàn đô ông ta có chỉ là nhỏ, và cho đi được. Rồi khi nhận ra mình đã bị những niềm vui nho nhỏ tạm thời ấy cuốn mình đi rất xa, thì đã quá muộn. Ông đã không làm việc quan trọng trước. Còn chúng ta thật may mắn, nếu như người đàn ông kia cơ hội trúng số chỉ tới một lần, bạn có cơ hội đó liên tục với quà tặng thượng đế là 86400 giây mỗi sáng thức dậy. Do đó, không bao giờ là quá muộn để thay đổi.
Khi còn là sinh viên, mình thoải mái lên các diễn đàn, viết blog, thậm chí tập tẹ viết những trang sách để đời đầu tiên. Mình có dư “tiền thời gian” để tiêu xài. Nhưng khi đi làm, công việc ngập ngụa, mình hầu như không còn thời gian cho sở thích khi xưa, chạy theo những mục tiêu ngắn hạn khiến mình quên bẵng đi những trang sách dang dở, mặc dầu tự hứa với bản thân là “tháng tới sẽ xong”, nhưng loáng cái vài năm đã qua, mà vẫn chỉ dừng lại ở… lời giới thiệu >”<
Thật ra về các phương pháp quản lý thời gian mình cũng biết khá nhiều, từ phương pháp ưu tiên 4U nổi tiếng, hay ABCDE của chính Brian Tracy, nhưng thực sự tháng này mình mới áp dụng được hiệu quả. Tại sao vậy? Archimedes đã từng nói : “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả trái đất lên”
Câu nói này gợi ý cho ta rằng mọi sự thay đổi lớn phải có một điểm tựa. Và mình đã tìm ra “điểm tựa” chính xác của kỹ năng quản lý thời gian, một thói quen rất quan trọng giúp tất cả những gì mình biết trước đây về quản lý thời gian bỗng nhiên hoạt động rất hiệu quả!
Trong tháng 10, mình đã dành 3 phút mỗi ngày để ghi lại lượng thời gian mình sử dụng trong ngày. Và mình đã bất ngờ, khi cuối tháng nhìn lại bảng tổng kết. Cứ tưởng trước giờ mình làm việc khá hiệu quả, vì liên tục được công ty khen ngợi trong mấy năm nay, nhưng thực ra khi đối mặt và phân tích bảng này thì chưa bao giờ mình thấy mình quản lý thời gian tồi đến như vậy!!!
Nếu tính một ngày có 24h, trừ 12h cho các việc ăn, ngủ, vệ sinh, di chuyển và các việc không tên khác ra thì một người sẽ có khoảng 12h “lý tưởng” để làm những việc đáng kể, bao gồm : đi học, làm việc, làm những thứ có ích, làm những việc phục vụ cho tương lai. Suy ra 1 tháng sẽ có 30 x 12 = 360 giờ đáng kể. Và đây là cách mình tiêu tiền “thời gian” trong khoảng 1/10 tới 31/10.
Tổng thời gian mình ghi nhận là 215.9,  chia cho 360 thì ra khoảng 60%. Đó chính là hiệu suất tận dụng những “giờ đáng kể” của mình trong tháng 10, như vậy còn lại 40%, tức là 144 giờ của mình đã bị tiêu tốn vào những việc “không tên” khác, những việc mà mình thấy không hữu ích, không phục vụ cho mục tiêu nào của mình cả nên đã không được ghi vào. Mà với 144 giờ và tốc độ 2 trang/giờ, ít nhất mình có thể viết được 288 trang, đủ 1 cuốn sách!!! Thật quá lãng phí !!!
Và nếu bạn biết ABC là gì, thì bạn sẽ thấy không những mình bị “cướp trắng” 144 giờ, mà cách mình tiêu 216 giờ kia cũng không hợp lý chút nào. ABC là gì vậy nhỉ?
A ở đây là những công việc mang tính chất “Áp lực”. Ví dụ như xem lại nội dung trước giờ giảng dạy, làm một việc bất chợt mà các sếp giao, tham gia một cuộc họp bắt buộc v.v… nói chung là những việc quan trọng và khẩn cấp, phục vụ mục tiêu ngắn hạn, không làm là sẽ có hậu quả ngay. A là những việc phải làm trước tiên, song không phải là những việc nên làm nhiều nhất.
B là những việc “Bé bự”, tức là những việc cũng quan trọng những không khẩn lắm, nó thường phục vụ cho mục tiêu lâu dài như là viết sách, viết blog, lập kế hoạch, đọc sách phát triển bản thân v.v… không làm nó thì cũng có hậu quả, nhưng về lâu dài mới thấy. B có thể là những việc có thể để sau, nhưng bạn phải có kế hoạch cho nó, nếu không nó sẽ sớm thành việc A.
C là “Cân bằng”, là những việc giúp bạn thư giãn, giải trí, lấy lại cân bằng một cách tích cực, giống như Vitamin C vậy. Ví dụ như đọc một cuốn truyện mình yêu thích, nghe những bản nhạc hay, xem một chương trình TV hữu ích, nhưng nó phải tích cực nhé, chứ những việc như thi thoảng nằm ườn một chỗ chán đời, không muốn làm gì khoảng mấy tiếng thì mình không tính là C.
Làm quá nhiều việc A sẽ giải thích cho tình trạng căng thẳng của mình hiện tại, cũng như sự vắng bóng trên mạng, Blog mốc meo cả mấy tháng nay. Từ đó dẫn tới việc B quá ít, không có thời gian cho ước mơ, cuộc sống sẽ ngày càng mất đi ý nghĩa. Khi việc C cũng ít, bạn không có thời gian cho sở thích, thì mất cân bằng là điều tất yếu khó tránh khỏi.
Hãy nhớ xem đã bao lần bạn đọc một cuốn sách, tham dự hội thảo, hoặc nghe lời khuyên của một ai đó và có những ý tưởng rất hay để thay đổi, nhưng rồi sau đó mọi thứ lại đâu vào đó. Ngược lại, hãy nhớ xem có một lần nào đó, khi tự bạn nhận ra rằng mình phải thay đổi, và bạn đã thay đổi. Sự thay đổi không xảy ra khi người khác bảo ta, mà xảy ra khi ta nhận mình phải thay đổi!
Và khi đối mặt với thực tế ấy, động lực thay đổi trong mình trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết! Nó đã kích thích mình mạnh dạn thay đổi chiếc lược làm việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Mình quyết tâm theo đuổi 3 nguyên tắc : 1. Nếu có thể làm trước, hãy làm trước đó 1 tuần; 2. Nếu có thể nhờ ai đó làm, mạnh dạn thuyết phục họ; 3. Nếu việc có việc “áp lực” thì cố làm càng nhanh càng tốt. Đặc biệt, phảiquyết ghi chép thời gian để hàng ngày theo dõi. Và đây là thành quả tháng 11!
Tổng thời gian “đáng kể” đã tăng lên 285.2 giờ, tỷ lệ 79.4% tuy chưa tuyệt đối nhưng quả thật là tuyệt vời. Không những vậy, thời gian việc B và C của mình đã tăng lên, điều đó có nghĩa là mình đã dành được thời gian cho bản thân, cho ước mơ nhiều hơn mà hiệu suất làm việc mình vẫn tốt, việc A vẫn đạt 107.5 tương đương tháng trước. Như vậy là từ ABC, mình đã chuyển thành BAC.
BÁC Hồ từ trước tới nay luôn là tấm gương của sự tiết kiệm mà! Song giờ đây không những tiết kiệm của cải vật chất, mà còn tiết kiệm một thứ hết sức quan trọng. Đó là của cải thời gian, vì không những nó có thể sinh ra tiền, mà cả hạnh phúc và tự do!
Nói tóm lại, nếu ví thời gian như tiền bạc, thì việc liên tục ghi ra mình đã tiêu bao nhiêu thời gian vào việc gì sẽ giúp bạn nhận ra mình đang thật sự quản lý thời gian như thế nào, từ đó bạn mới có thể thay đổi hợp lý, cũng như động lực để duy trì sự thay đổi đó . Phải chi người đàn ông trong chuyện lúc nãy làm một thói quen nhỏ thôi, là mỗi lần chi ra một cái gì đó ông bình tĩnh ghi lại : $10 cho cái này, $100 cho cái nọ, $200 cho cái kia v.v… Ông ta sẽ sớm nhận ra “chết rồi, hình như mình quá tay” và có thể sẽ dừng lại, tình hình lúc ấy sẽ khác.
Ngay bây giờ, hãy lấy ngay một tờ giấy và viết, hoặc comment ở dưới xem từ sáng tới giờ khi bạn thức dậy, bạn đã làm những công việc gì đáng kể (ít nhất 30 phút)? Bạn làm chúng trong bao nhiêu lâu? Đó là việc loại A hay B hay C? Trong trường hợp bạn vừa mới thức dậy (dù mình tin là ít lại đọc bài này vào sáng sớm), thì bạn có thể áp dụng cho ngày hôm qua.
Hãy dành 3 phút để liệt kê ngay bây giờ, càng chính xác càng tốt! Việc này tuy đơn giản, tuy nhỏ bé song sau này bạn chắc chắn sẽ comment cảm ơn mình đấy! Just do it! Hãy nhớ, có thể bạn không có thời gian để làm tất cả, nhưng bạn luôn có thời gian để làm những thứ quan trọng nhất. Và với mình, không gì quan trọng hơn bằng việc dành 3 phút ghi lại những giờ đáng kể.
Cuối cùng, về công cụ hỗ trợ ghi chép thời gian, nếu dùng windows bạn có thểđặt toggl.com làm trang chủ để mỗi lần lướt web, bạn không bao giờ quên việc phải ghi chép thời gian. Còn nếu bạn dùng hệ điều hành ubuntu giống mình thì cài hamster project để được nhắc cứ mỗi 15 phút!
Bonus : Một clip hay về ước mơ mình rất ấn tượng!

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét