Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi
5/3/14

“Anh ơi làm sao để thuyết trình cuốn hút ạ, em không biết bắt đầu từ đâu…”
“Anh ơi em cần viết một bài văn dự thi, em không biết bắt đầu từ đâu…”
“Không biết bắt đầu từ đâu”, là cụm từ phổ biến mà bạn sẽ nghe suốt nếu làm trong lãnh vực đào tạo & tư vấn giống mình. Và đọc xong bài viết này, bạn sẽ nắm trong tay một thỏi nam châm có 3 cực là Y, H, C. Nó sẽ giúp bạn luôn biết mình phải bắt đầu từ đâu để tạo ra những bài viết tâm huyết, những bài nói chuyện cuốn hút, hoặc đơn giản là biết cách chia sẻ để ý tưởng và được hưởng ứng nhiệt liệt.
Cực Y : Cực Yêu
“Anh ơi, thứ 5 tuần này em phải thuyết trình rồi, anh cứu em với?”, một cô bé xinh xắn alo hỏi mình.
“Ừ… thế em cần anh cứu thế nào?”, mình điềm đạm hỏi.
“Dạ, em mới nghĩ ra mấy trò chơi để mở đầu thôi ạ, còn nội dung trong sách nó khô khan quá, em chưa biết làm sao để cả lớp thích thú..”, giọng cô bé có vẻ rất căng thẳng.
“Anh hỏi một câu nhé, khi đọc bài đó trong sách, em có thích nó không?”, mình hỏi.
“Thú thật là không ạ…”, cô bé lí nhí.
“Ồ, làm sao em có thể bắt người ta thích một thứ mà chính mình cũng không thích?”, tôi cười và hỏi.
“Dạ…”, cô bé im bặt như chợt nhận ra điều gì đó.
Nếu bạn không yêu thích một thứ gì đó, đừng bao giờ bắt người khác phải yêu thích nó.
Đây là một quy luật hiển nhiên song người ta cứ liên tục vi phạm khi thuyết trình.
Họ cố gắng làm slide thật đẹp, chuẩn bị vài trò chơi tạo không khí, rồi bắt đầu thuyết trình với hi vọng người nghe sẽ yêu thích nội dung ấy. Nhưng sự thật là khán giả chỉ ấn tượng slide đẹp, và trò chơi vui vẻ, chứ nội dung chính thì đôi khi không ai nhớ. Cách làm này rõ ràng không hiệu quả vì không đi từ bản chất, mà vòng vèo “ngụy trang” cho một sự thật rằng : bản thân người nói không yêu thích thứ mình chia sẻ.
Do đó, trước khi chia sẻ một điều gì đó, hãy nhớ tới cực nam châm đầu tiên này. Hãy dùng bộ câu hỏi hiệu nghiệm sau đây, chúng sẽ vừa giúp bạn kiểm tra chữ Y đầu tiên, vừa giúp bạn có những ý tưởng khởi đầu.
  1. Mỗi lần nghĩ về điều mình định nói, bạn có cảm thấy hứng thú không?
  2. Nếu có, thì bạn có những trải nghiệm hay ý tưởng thú vị nào để nói về nó?
  3. Nếu không, mà vẫn buộc phải chia sẻ (theo yêu cầu), thì có cách nào liên kết nó với những gì bạn vốn yêu thích không? Giữa chúng và những điều bạn vốn yêu thích có điểm gì chung?
Trong một lần theo chân anh Hoàng Dương, một đồng nghiệm của mình về trường ĐH Sư phạm để chia sẻ về chủ đề thuyết trình với sinh viên.Mình rất bất ngờ khi chỉ sau 5 phút ứng dụng kỹ thuật TNT (một quy trình xây dựng bài thuyết trình hiệu quả) đã có một bạn nữ khoa Toán khiến mọi người bất ngờ với chủ đề “Ứng dụng toán học để chọn chồng”. Mọi người vô cùng thích thú khi bạn ấy trục tọa độ ra, mỗi trục tương ứng với một tiêu chí chọn chòng, và giải thích say sưa về tỉ lệ diện tích, thể tích phù hợp để tìm người chồng lý tưởng.
Tóm lại, khi bạn chia sẻ những thứ mình vốn Yêu thích, hoặc liên kết được thứ mình cần nói với những thứ mình vốn yêu thích, thì tự nhiên người ta sẽ bị thu hút bởi niềm say mê của bạn, bạn trở thành một thỏi nam châm cực mạnh với chữ Y to tướng trên ngực. Và rất vui là bạn nữ xinh xắn hôm vừa rồi đã nhắn lại cho mình rằng nhờ những gì mình chia sẻ, bạn đã tháo bỏ được “gánh nặng” và thuyết trình khá thành công. Để biết cách liên kết mọi thứ lại với nhau một cách thú vị, bạn có thể tham khảo bài “Bí wyết sáng tạo”
Song chỉ yêu thích thôi đôi khi vẫn chưa đủ, sẽ có những người thích ý tưởng của bạn, thích câu chuyện của bạn, họ được truyền niềm đam mê từ bạn. Họ thường là những người thiên về cảm xúc, có xu hướng bẩm sinh là dễ đồng cảm với người khác hoặc dễ tán đồng những ý tưởng mới lạ. Bên cạnh đó, Nhưng sẽ vẫn có những đối tượng “khó tính”, họ thường bị cuốn hút bởi những thông tin, sự kiện khoa học, các mô hình, triết lý v.v…
Do vậy, bạn cần thêm một cực tiếp theo đây nữa.
Cực H : Cực Hiểu
“23h23′ : Xong! Anh ơi, em đã làm xong thư UPU rồi. Với cảm xúc thăng hoa, tinh thần quyết liệt, một tâm hồn đầy tính nghệ thuật em đã hoàn thành xong bức thư UPU với 4 tời giấy A4 to ơi là to :)) hihi. Em đã trả lời tốt 3 câu hỏi của anh va nó biến thành một bức thư khổng lồ  em cảm ơn anh nhiều ạ”
Đó là dòng tin nhắn mình trích nguyên xi của của một bạn nhỏ cấp hai sau khi nhận được 5 phút tư vấn của mình cách đó vài ngày. Đây là một bạn được yêu cầu viết một bức thư UPU về chủ đề âm nhạc, qua nói chuyện mình phát hiện ra là bạn đó cũng khá yêu thích âm nhạc, thích nghe nhạc cổ điển. Song khi mình thử yêu cầu liệt kê một vài vài nhạc phẩm nổi tiếng và hoàn cảnh ra đời, thì bạn hoàn toàn tắc tịt.
Mặc dù mới hành nghề nói trước đám đông được hơn 2 năm, với vỏn vẹn 850 giờ đào tạo (tính tới thời điểm viết bài này) nhưng cá nhân mình cảm thấy mọi sự tiến triển rất tốt. Có lẽ là nhờ một kinh nghiệm của một đàn anh đi trước, “Hãy đơn giản là giúp mọi người hiểu được thứ mà em đang hiểu”. Đó là lời anh Trần Đăng Triều, một chuyên gia đào tạo của TGM đã nói với mình khi mình mới tập tẹ làm Trainer.
Và càng ngày, mình thấy điều đó càng đúng. Bạn phải Cực hiểu những thứ mình định chia sẻ, thì sự chia sẻ của bạn mới rõ ràng, thấu đáo. Hãy nhớ, nếu bạn hiểu nhưng câm như hến thì có thể bị coi là ích kỉ, nhưng nếu bạn nói say sưa điều mà mình không thực sự hiểu thì chắc chắn sớm thành chém gió. Do vậy, có một câu hỏi quan trọng trước khi bạn chia sẻ một thứ gì đó, là “liệu mình đã có đủ sự hiểu biết hay chưa?”
Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo, bạn không nhất thiết phải đạt giải vô địch diễn thuyết thế giới để chia sẻ về thuyết trình, bạn không nhất thiết phải có sách bestseller để chia sẻ về viết lách, v.v… vậy thế nào là đủ?
Nhà vô địch diễn thuyết thế giới năm 1999, Craig Valentine đã cho mình một mẹo nhỏ rất hay mà ông gọi là “Quy luật 3 thứ”, chỉ cần bạn đọc 3 cuốn sách về một lãnh vực bất kỳ, bạn trở sẽ trở thành “giáo sư” trong mắt hơn 90% dân số toàn quốc. Nếu như bạn đọc “Giá như tôi biết khi 18″ bạn sẽ thấy có một con số giật mình về việc đọc sách của dân ta. Cho nên đọc sách cũng góp phần gia tăng sự hút hút cho cực nam châm này. 
Sự hiểu biết do đọc sách là cần thiết, song nếu bạn đã đọc “Bài học từ khay nước đá”bạn sẽ biết rằng “hiểu biết” cũng có rất nhiều tầng khác nhau. Và theo kinh nghiệm của mình, thì sự chia sẻ của bạn sẽ có sức cuốn hút tự nhiên như nam châm, khi sự hiểu biết đó là do bạn tự chứng nghiệm (tự kiểm chứng và trải nghiệm).
Để giải trí, chúng ta có thể đọc truyện hoặc xem phim viễn tưởng. Nhưng để cuộc sống tốt hơn, chúng ta cần những kinh nghiệm có thật, cần những câu chuyện có thật. Do vậy, hãy luôn đảm bảo là bạn dành ít nhất vài giờ, thậm chí vài ngày để nghiên cứu thật sâu về thứ mình định chia sẻ, và tốt nhất là nên có những trải nghiệm thực tế nào đó liên quan. Dưới đây là vài câu hỏi gợi ý giúp bạn đảm bảo cực nam châm H này đủ sức hút.
  1. Thứ bạn định chia sẻ đã từng có ai nổi tiếng nghiên cứu về nó chưa? họ có câu nói nào thú vị?
  2. Thứ bạn định chia sẻ có nằm trong một mô hình hay lý thuyết nào được công nhận rộng rãi không?
  3. Thứ bạn định chia sẻ đã giúp ích cho bạn như thế nào trong cuộc sống? bạn có kỷ niệm nào thú vị không?
Tóm lại, khi bạn chia sẻ với niềm yêu thích, niềm đam mê, mọi người sẽ được truyền cảm hứng. Khi bạn chia sẻ với sự hiểu biết sâu rộng, với những trải nghiệm thực tế và gần gũi, mọi người sẽ bị thuyết phục.
Với hai cực nam châm trên, bạn có thể khá tự tin với bài viết, bài thuyết trình của mình rồi. Liệu nó còn có thể tuyệt hơn nữa không? Bạn nghĩ sao, nếu có cách để cho không những mọi người thích thú và ủng hộ, mà họ sau đó họ còn nhắc đi nhắc lại chúng, và một ngày đẹp trời tự nhiên bạn nhận được một tin nhắn là họ đã thành công việc gì đó nhờ áp dụng ý tưởng của bạn? Việc này là hoàn toàn có thể với cực thứ ba của thỏi nam châm 3 cực này!
Cực số 3 : Cực Cần
Những gì bạn chia sẻ mà mọi người thấy hay, có thể họ sẽ cười vui vẻ và vỗ tay lúc đó. Nhưng chưa chắc họ ghi nhớ, vì có một sự thật là chúng ta chỉ có thể khắc ghi sâu một điều gì đó khi chúng ta áp dụng được nó vào cuộc sống hàng ngày. Cho nên đôi khi bạn sẽ thấy có những người phong cách nói có vẻ không sinh động, cuốn hút lắm, nhưng họ nói câu nào là anh em ở dưới gật gù câu đấy và rất ghi nhớ.
Mình đã nhiều lần trải nghiệm là khi nói bóng nói gió, cố gắng kể truyện hay ho để thu hút mọi người, nhưng có một số đối tượng khá “khó tính”, mặt họ cứ lạnh tanh ở dưới. Nhưng khi tới phần “Hỏi đáp”, phần mình trả lời những băn khoăn thắc mắc, họ lại rất lắng nghe với thái độ khác hẳn. Bạn có thể thử tham khảo một số giải đáp về vấn đề đam mê, ước mơ, chọn trường tại đây và thử so sánh nó với những bài viết khác mình viết xem thế nào nhé.
Và dưới đây là một bộ các câu hỏi hiệu nghiệm giúp gia tăng sự tác động của bạn tới hành vi của mọi người.
  1. Với điều tôi chia sẻ, công việc của họ sẽ trở nên hiệu quả hơn như thế nào?
  2. Với điều tôi chia sẻ, họ sẽ trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn như thế nào?
  3. Với điều tôi chia sẻ, cuộc sống của họ sẽ trở nên thoải mái hơn như thế nào?
  4. Với điều tôi chia sẻ, họ có thể áp dụng được ngay những gì để sớm đạt kết quả?
Tóm lại, bất cứ khi nào bạn chia sẻ, bạn càng chia sẻ những gì mình Cực Yêu, bạn càng chia sẻ những gì mình Cực Hiểu, và người ta lại Cực Cần thì bạn càng trở nên cuốn hút như một thỏi nam châm tự nhiên vậy. 
Một lần nữa, với bí mật Nam châm 3 cực này, mình chúc bạn những điều như sau :
  • Nếu như bạn có bị ‘bắt cóc’ lên sân khấu và phải chia sẻ một thứ gì đó, đứng sợ, đấy là một cơ hội để truyền nguồn cảm hứng cho mọi người với những điều mà bạn vẫn hằng Yêu thích. Hãy chia sẻ, chắc chắn mọi người sẽ rất thích vì bạn là chính bạn trên sân khấu, chứ không phải cố gắng trở thành một ai đó khác.
  • Nếu như bạn phải soạn một bài viết, một bài nói, hay kể cả là một sản phẩm sáng tạo nào đó mà bạn vốn yêu thích, bên cạnh trải nghiệm của bản thân, hãy dành thời gian tìm hiểu những dẫn chứng làm nền tảng vững chắc cho thứ bạn chia sẻ, chắc chắn khán giả sẽ phục bạn từ… cái đầu tới trái tim.
  • Nếu như bạn có nhận được một lời cảm ơn bất ngờ từ ai đó, họ cảm ơn vì họ đã thành công, họ đã tạo nên kỳ tích nào đó nhờ chia sẻ của bạn, thì cũng đừng ngạc nhiên… nếu trước đây khi thiết kế ra điều mình chia sẻ, chính bạn đã vẽ ra viễn cảnh ấy khi nói rằng điều ấy sẽ giúp họ như thế nào, và cho họ những công cụ để làm.
Khổng Tử đã nói “Nghe sẽ quên, nhìn thì nhớ, làm là hiểu” do vậy nếu bạn thấy những chia sẻ trên hữu ích, hãy làm ngay một việc đơn giản sau đây. Hãy lấy một tờ giấy, vẽ một cái nam châm 3 cực to tướng ở giữa, và viết ra 10 câu hỏi bên trên. 3 câu cho Y, 3 câu cho H và 4 câu cho C. Và ứng dụng chúng thường xuyên cho những việc bạn dự định làm, chắc chắn bạn sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên vì kết quả mình đạt được đấy!
Mong tin tốt lành từ bạn!

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét