Có một cậu bé tuổi nhỏ song rất tò mò, cậu ham học hỏi tới mức toàn đưa ra những câu hỏi “xoáy” khiến thày bứt tóc nhiều lần (may không hói) và kết luận cậu bị “tăng động giảm chú ý”. Sau đó, mẹ cậu quyết định cho cậu nghỉ học ngay sau 3 tháng nhập trường, và không bao giờ trở lại đó nữa.
Theo bạn cậu bé đó có thể làm gì sau này? Tổ bán báo xa mẹ? Phát kẹo cao su? Đánh giày dạo? Câu trả là tôi cũng chưa biết, vì bây giờ cậu ấy đang… ở trên thiên đường. Đó chính là tuổi thơ của Thomas Alva Edison, nhà phát minh nổi tiếng, người đã đem bóng đèn xua tan màn đêm tối tăm của nhân loại. Đời thật khó lường!
Một cậu bé nông thôn, mẹ mất sớm, vốn liếng của cậu vỏn vẹn là 8 năm học hành. Và có một tài năng đặc biệt. Nếu gặp, cậu ấy sẽ mượn bạn cái đồng hồ và chỉ sau vài phút, bạn sẽ trố mắt nhìn cái đồng hồ xịn của mình bị tháo ra tung ra… cậu bé đó cười toe toét “cái bánh răng này đẹp phết!”
Bạn đoán cậu bé đó giờ đang làm gì? Thợ sửa đồng hồ? Hay một người chuyên phá hoại mọi thứ, rồi tìm cách lắp lại như cũ?
Bạn đoán cậu bé đó giờ đang làm gì? Thợ sửa đồng hồ? Hay một người chuyên phá hoại mọi thứ, rồi tìm cách lắp lại như cũ?
Câu trả lời là… cậu ta chắc đang chơi đùa cùng cậu bé lúc nãy. Vì đó chính là Henry Ford, người từng là nhân viên của Edison, nhưng sau này ông được mệnh danh là vua xe hơi, một trong 20 danh nhân giàu có nhất thế kỷ 20 với tổng tài sản 188,1 tỉ đô-la.
Không nói xa xôi nữa, ta hãy quay trở lại Việt Nam.
Có một cặp vợ chồng, cả hai đều tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế và có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, người chồng có trong tay tới hai tấm bằng cử nhân và đang học MBA, còn người vợ rất thành công trong lãnh vực bất động sản, từng giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước khi còn rất trẻ, chủ trì tổ chức rất thành công những sự kiện lớn của quốc gia, rất có năng khiếu kinh doanh. Và bạn đoán xem họ đang kinh doanh gì bây giờ? Ô tô? Xe máy? Nhà hàng? Nhà đất?
Câu trả lời là họ đang… làm giáo dục! Họ đã từ bỏ danh vọng và tiền bạc để theo đuổi tới cùng khát vọng của mình. Đó chính là hai người lãnh đạo của TGM Hà Nội, và sắp tới họ lại tiếp tục cho ra lò Alpha School, một ngôi trường của yêu thương và sáng tạo, ngôi trường mà ngày xưa họ ao ước những đứa con thiên thần của mình sẽ được học ở đó. Đời thật khó lường!
Một cậu bé nhà quê nhút nhát, cậu ít khi giơ tay phát biểu, lần đầu tiên cậu nói chuyện trước đám đông là lần bị cô giáo gọi lên bảng kiểm tra miệng. Cậu rất ngại giao tiếp, thời gian rảnh cậu thường ngồi cài lại win cho cái máy tính để bàn cũ kỹ. Cậu cũng có một tấm bằng tốt nghiệp quý hiếm nhất trường thời đó, bằng tốt nghiệp tiểu học trung bình. Bạn đoán xem giờ cậu bé đó đang làm gì?
Câu trả lời là… cậu ta đang viết những dòng này.
Vâng, nếu bạn cầm bằng tốt nghiệp tiểu học của tôi trong tay, bạn sẽ thấy bên trái là ảnh tôi đang cười toe toét, còn bên phải “Trường Tiểu Học Kim Liên Hà Nội, Nguyễn Chu Nam Phương – Tốt nghiệp tiểu học trung bình”.
Nhưng sau đó, tôi đã thi khối A, ĐH Ngoại Thương Hà Nội với đỗ với 28/30 điểm. Và giờ đây, tôi đang làm một việc mà trước đây bố mẹ, người thân, đồng nghiệp, ai cũng nghĩ là anh không thể. Đó là nói chuyện trước đám đông, một người đàn ông hướng nội (gọi tắt là ông nội) thì làm sao trong 2 năm, có thể đi nói chuyện gần 850 giờ với hơn 20.000 người? Đời thật khó lường!
Và tôi ước rằng khi 18 tuổi mình có thể biết những điều này, những điều mà tôi sẽ chia sẻ với bạn ngay dưới đây, với hi vọng giúp con đường tương lai của bạn phần nào trở nên sáng tỏ hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn.
Đầu tiên là một trải nghiệm thú vị, thú thật là tôi tình cờ được một người bạn chia sẻ, chứ không phải là người nghĩ ra. Song tôi rất tâm đắc nó và bạn cũng hãy thử xem sao nhé, dễ lắm! Bạn chỉ cần… biết đếm là tham gia được! Dưới đây là một bảng có rất nhiều con số, bạn hãy tìm ra chúng lần lượt từ 1 tới 54 trong 1 phút nhé! Hãy chỉ tập trung vào bảng này 1 phút trước khi đọc tiếp nhé!
Thế nào rồi? Cho dù bạn kiên trì làm hết (thường là cũng mất kha khá thời gian đấy), hay là bạn chỉ thử làm một chút rồi bỏ thì cũng không sao cả. Vì từ trước tới nay khi tôi tổ chức hoạt động này, hầu như không có ai tới được 54 trong thời gian 1 phút. Trừ khi họ phát hiện ra bí mật: những dãy số trên không sắp xếp ngẫu nhiên, mà nó có quy luật của nó!
Quy luật đó là các số được xếp theo một cụm, và lần lượt đi từ trên xuống dưới, sau đó từ trái qua phải. Ví dụ 1 ở ô thứ nhất bên trái, 2 ô dưới, 3 ô dưới cùng bên trái, 4 ô giữa trên cùng, 5 ô giữa… 9 ô cuối bên phải, 10 lại quay về ô thứ nhất bên trái. Bên cạnh đó, font chữ của các con số có đuôi từ 1 tới 9 lại giống nhau. Bây giờ bạn hãy thử dành 1 phút và dò từ 55 tới 107 nhé!
Thế nào rồi? Dễ dàng hơn nhiều so với lần đầu chứ? Tất nhiên rồi, thậm chí nhiều bạn tới giây thứ 30 là hoàn thành rồi. Đây là một trải nghiệm đơn giản, song bạn ngẫm kỹ sẽ thấy nó rất sâu sắc. Tôi đặt tên nó là trò chơi cuộc sống. Nếu ví như mỗi một con số là một tuổi mà bạn trải qua, thì bạn sẽ thấy nếu như chúng ta không nắm rõ quy luật, đời thật phức tạp, đời thật khó lường!
Nói một cách khác, “đời thật khó lường” chỉ là lớp vỏ bọc của suy nghĩ sâu xa bên trong “mình không nắm được quy luật”. Là thành viên của đội ngũ chuyên gia đào tạo TGM, ngoài việc được huấn luyện bởi các bậc thầy đẳng cấp quốc tế, chúng tôi còn có điều kiện được tiếp xúc với rất nhiều người thành đạt trong xã hội. Nên tuy tuổi đời còn ít song chúng tôi tự hào vì nắm được những quy luật để hạnh phúc và thành công mà chưa chắc nhiều người lớn tuổi hơn chúng tôi đã biết.
Trong suốt 1 năm qua, bản thân tôi đã chia sẻ những nguyên tắc học tập toàn não bộ và giúp hơn 1850 học viên của khóa học Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế! biến việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Và gần đây, khi tiếp xúc với học sinh lớp 12 ở một góc độ khác, tôi nhận ra bên cạnh việc thiếu kỹ năng học tập, thì việc định hướng cho tương lai cũng rất mù mờ. Dưới đây là một số câu hỏi thú vị mà chúng tôi nhận trong những lần về trường, các câu in đậm tức là được lặp lại nhiều.
Tuổi 18 nghĩ gì về Đại học?
Khi tiếp xúc với các bạn học sinh, tôi cứ ngỡ bây giờ thời đại thông tin chắc chắn các bạn cũng sẽ có nhiều thứ khác mình. Song tôi giật mình khi nhiều bạn cũng suy nghĩ giống tôi ngày xưa, khi còn 18 vào tầm tuổi này, vào thời gian này, khi sắp thi đại học. Hai câu hỏi băn khoăn trong tôi là:
Ngành nào đang hot? Trường nào vừa sức?
Rồi sau đó là một mớ lo lắng khác, năm nay đề ra thế nào, còn vài tháng nữa nên luyện thế nào. Song tôi đã không nhận ra một điều rằng, có những câu hỏi cực kỳ quan trọng cần phải được xác định trước và cần được trả lời càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ khi học lớp 10. Đó là :
TÔI ĐAM MÊ ĐIỀU GÌ? TÔI CÓ THẾ MẠNH GÌ?
TÔI MUỐN ĐỂ LẠI ĐIỀU GÌ CHO CUỘC ĐỜI NÀY?
TÔI MUỐN ĐỂ LẠI ĐIỀU GÌ CHO CUỘC ĐỜI NÀY?
Khi bước vào giảng đường đại học, tôi vẫn giữ được đà học sinh xuất sắc thời cấp 3 nên kết quả học tập hai năm đầu khi học nhiều môn đại cương cũng rất tốt (điểm tổng các kỳ thường trên 8 phẩy). Bên cạnh đó, tôi còn là khối trưởng và cũng khá năng động trong các hoạt động trường lớp. Song càng về sau, khi càng học sâu các môn chuyên ngành, tôi càng có cảm giác chúng không phù hợp với mình, và bên trong tôi, những ký ức ngày xưa bắt đầu trỗi dậy.
Tôi nhớ mãi cái nhìn đầy ngưỡng mộ của tụi bạn khi thấy tôi dùng máy tính cứ nhoay nhoáy, thậm chí khi những lỗi xuất hiện, tôi nhìn liếc một phát là tự nhiên biết ngay nó hỏng ở đâu (mà cũng không biết tại sao mình biết). Tôi có niềm đam mê máy tính từ khi bố mua cho con Pentium I cũ kĩ, ổ cứng 1gb, ram 32mb, ngoài việc giúp tôi chơi game, nó cũng giúp tôi đạt giải khuyết khích lập trình pascal cấp quận.
Tôi cảm thấy máy tính như một người bạn, tôi có thể nói ngôn ngữ của chúng, và nhớ lại tuổi thơ, tôi từng có một ước mơ bé nhỏ là trở thành… một hacker vĩ đại! Và tất nhiên, trái tim bé nhỏ với tiếng nói đam mê yếu ớt ấy đã bị vùi dập bởi những lời khuyên, những lời phân tích đầy “thực tế” của nhiều người khi họ hướng tôi vào ngành ngân hàng, ngành mà sau đó tôi đã bỏ không thương tiếc.
Giờ tôi đã nhận ra một quy luật thú vị của đam mê. Nhiều người ví đam mê giống như mối tình đầu, và bạn khó có thể quên nó. Song tôi thấy nó cũng giống như một con… vắt (hoặc đỉa). Nếu bạn không đuổi (theo) nó, nó sẽ đeo bám bạn tới cùng và hút rất nhiều (suy nghĩ) của bạn.
Và tôi cũng không tránh khỏi chú vắt tin học đó. Nên trong quãng đời sinh viên, ngoài việc học chính khóa trên lớp. Các buổi tối tôi thường tự loay hoay học lập trình web, tôi đã thiết kế và cho ra lò một cái blog và vài diễn đàn khá thu hút. Một người bạn xuất sắc của tôi bên ĐH Công Nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội từng nói “bác tự mày mò mà làm được như vậy, không theo ngành của em thì quá phí”.
Nhiều người nói rằng, theo đam mê con đường sẽ khó khăn vất vả hơn rất nhiều. Tôi đồng ý, song đó cũng sẽ là con đường mà bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc. Hãy nhớ, con đường càng dễ dàng, thì kết quả càng tàng nhàng. Con đường càng gian nan, kết quả càng vinh quang.
Tôi rất ấn tượng khi tìm hiểu về Edison thời niên thiếu, cậu bé chẳng cần quan tâm xem ai nói cậu là “vô học” vì niềm đam mê thí nghiệm khoa học đã choán ngợp hết tâm trí cậu bé. Lúc 10 tuổi, Edison thường ở lì trong hầm thí nghiệm và say sưa tới mức bố ông phải xuống hối lộ tiền để cậu bé ra ngoài đọc sách, giải trí, hít thở không khí trong lành. Và có một sự cố đã khiến thính giác của ông giảm, song Edison chỉ nhẹ nhàng chia sẻ “Nó giúp tôi tập trung hơn khi thực hiện thí nghiệm”. Bạn thấy đấy, niềm đam mê khoa học đã giúp Edison trở thành nhà phát minh kiên trì và vĩ đại nhất thế giới với hơn 1093 bằng sáng chế!
Tôi cũng ấn tượng khi tìm hiểu cuộc đời của Bethoveen. Ít ai biết về tuổi thơ đầy rẫy rủi ro, bất hạnh của ông. Sự nhạy cảm trong âm nhạc của ông có được là nhờ từ người cha nghiện rượu, chuyên đánh đập và bắt ông hầu nhạc mua vui cho bạn nhậu. Song nếu cậu bé Ludwig chỉ tập trung tới việc thù hằn người cha, hay những cơn đau do roi vọt, hoặc cậu chỉ tập trung vào ngoại hình xấu xí, cục mịch của mình thì chắc chắn tiếng Piano của cậu sẽ không thể làm thiên tài Mozart lặng đi và nhận xét “Chắc chắn cả thế giới sẽ nói về cậu ta”.
Chưa hết, với một người chơi nhạc bình thường thì việc mất đi thính giác là kết thúc, song với Beethoveen thì đó lại là một sự khởi đầu. Khi khả năng thính giác xuống dốc, cũng là lúc Beethoveen đã từ giã danh hiệu “người chơi piano bậc thầy”. Niềm đam mê âm nhạc đã giúp Beethoveen trở thành “nhà soạn nhạc thiên tài” với những bản giao hưởng bất hủ!
Anh Hoàng Dương, cũng là một người đồng nghiệp xuất sắc của tôi từng chia sẻ rằng hồi 18 tuổi, anh đã nghĩ sau này mình sẽ có hai công việc. Một công việc là để kiếm tiền, còn một công việc là để nuôi dưỡng đam mê. Và đúng thật, bên cạnh công việc thường ngày là một cán bộ đoàn xuất sắc ở ĐH Sư Phạm, anh còn là một MC cuốn hút, luôn cháy hết mình trên sân khấu với niềm đam mê chia sẻ, mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Anh Dương cũng chia sẻ:
Luôn có CÔNG VIỆC phù hợp với niềm ĐAM MÊ của mình hoặc là mình sẽ tạo ra nó.
Đúng thật, sau này anh Dương đã cho phép mình một lần được sống mạnh mẽ, một lần được bứt phá khỏi vị trí cũ, và thử cho phép mình theo đuổi niềm đam mê làm giáo dục. Và hiện tại anh đang là trưởng nhóm chuyên gia đào tạo của TGM Hà Nội.
Tôi có tình cờ được đọc một kết quả khảo sát của trang VietnamWorks, và cũng giật mình khi thấy rằng có tới 45% người được khảo sát cho rằng tình yêu công việc là yếu tố then chốt của thành công, sức ảnh hưởng của nó còn lớn hơn gấp đôi kinh nghiệm, gấp rưỡi các mối quan hệ và gấp… 20 lần các loại bằng cấp chứng chỉ. Và khi tìm hiểu về những người thành công nhất, hạnh phúc nhất tôi thấy họ đều có một điểm chung. Đó là phát hiện ra đam mê của mình, dám theo đuổi nó tới cùng, và trở thành người xuất sắc nhất trong lãnh vực đó. Đặc biệt, nếu đó là lãnh vực chưa có, họ sẽ là người tiên phong tạo ra nó.
Tuổi 18 nghĩ gì về Sự nghiệp?
Theo bạn thì người có trước hay nghề có trước?
Nhiều bạn trả lời tôi rằng nghề có trước, vì đơn giản khi sinh ra thì đã thấy xã hội có cả đống nghề rồi. Song hãy chú ý, chính con người mới tạo ra nghề. Bạn có biết ngày xưa từng có nghề “bơm mực bút bi”, “lộn cổ áo sơ-mi” hay “sửa dép tổ ong” không? giờ chúng đâu rồi? chúng đã biến mất, đơn giản không ai làm nó nữa. Hoặc nếu bạn dùng cỗ máy thời gian để trở lại cách đây 20 năm, và cầm một chứng chỉ xuất sắc “lập trình ứng dụng di động” mà đi xin việc, chắc ai cũng bảo là bị dở hơi (vì thời đó toàn cục gạch mà). Song bây giờ, công việc này lại đang khá hót.
Thực tế là mỗi năm có rất nhiều nghề mất đi, và cũng nhiều nghề mới được sinh ra. Thomas Frey, một nhà nghiên cứu xu thế tương lai nổi tiếng đã ước tính theo tốc độ phát triển hiện nay thì tới 2030, sẽ có khoảng 2… tỉ nghề biến mất (tức là 50% tổng số nghề hiện tại trên thế giới). Một con số thật đáng suy ngẫm.
Trong một lần tìm kiếm những clip truyền cảm hứng trên mạng, tôi may mắn được biết tới Matt. Một anh chàng cứ ngỡ là cả đời mình sẽ ngồi thiết kế Video Games. Ở tuổi 23, anh chuyển sang một vùng ở Úc, người dân ở đây có một thói quen thú vị là đi du lịch khắp nơi, sau đó tìm một chỗ để cư ngụ lâu dài. Năm 2003 Matt đã bỏ việc để đi du lịch toàn Đông Nam Á cho tới khi… hết tiền. Trong quá trình đi du lịch, có lẽ hay bị bố mẹ “hỏi thăm” nên anh đã lập một Blog có cái tên lạ lùng là www.wherethehellismatt.com (tạm dịch là “Thằng Matt khỉ gió đâu rồi? .com”)
Điều thú vị là khi tới Hà Nội, một người bạn đã nảy ra ý tưởng thú vị là ghi lại cảnh anh nhảy nhót, sau đó anh đi hơn 40 nước nữa để thực hiện điệu nhảy ấy. Sau đó Clip Where the Hell is Matt được tung lên Youtube đã đem lại cảm hứng cho hơn 45 triệu người xem. Và bây giờ, Matt có nghề mới mà anh đam mê, đó là đi khắp nơi và… rủ mọi người nhảy, với sự tài trợ của các công ty quảng cáo.
Làm sao để biết được niềm đam mê và có lựa chọn phù hợp?
Một chuyên gia tâm lý đã có kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp lâu năm đã chia sẻ cho tôi một mô hình này, nó được gọi là “tam giác hướng nghiệp” K. Platonov. Tôi xin diễn tả lại một cách đơn giản theo ý hiểu của mình bằng hình minh họa dưới đây.
Theo lý thuyết đó thì khi 3 vòng tròn trên giao nhau, thì đó là vùng bạn có thể tìm được nghề tối ưu cho mình. Và như bạn đã thấy kết quả khảo sát 3000 người bên trên, thì đam mê sở thích vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Để dễ áp dụng, tôi thường gợi ý các bạn trẻ trả lời 3 câu hỏi.
Có thích thật không?
Tức là bạn phải lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình để quyết định. Nghe thật trừu tượng và có vẻ khó khăn nhỉ. Song kinh nghiệm của tôi cho thấy, trả lời câu hỏi này cũng không khó lắm. Bạn chỉ cần nhắm mắt lại, hình dung tới tương lai nếu bạn lựa chọn nghề đó, và để ý các cảm giác trên cơ thể, các cảm xúc bên trong xem có hào hứng không.
Ví dụ, nhắc tới nhà văn, bạn có thể hình dung tới một quán café lãng mạn, nơi bạn đang ngắm mưa và thả hồn với trí tưởng tượng; nhắc tới bác sĩ, bạn có thể hình dung cảnh tấp nập trong bệnh viện, nơi người nhà bệnh nhân thường xuyên nhìn vào mắt bạn và cầu cứu; nhắc tới lập trình viên, bạn có thể nghĩ tới niềm vui khi thực hiện xong một đoạn code; nhắc tới nhà báo, bạn có thể hình dung cảnh mình vác máy ảnh đi khắp nơi, phỏng vấn, chụp hình, viết bài v.v…
Tất nhiên cách trên thường áp dụng khi bạn đã có một số trải nghiệm nhất định, một số hiểu biết nhất định về ngành nghề đó. Nên trước hết bạn hãy chịu khó tìm hiểu thử về tất cả các nghành nghề ở Việt Nam, và tốt nhất là hãy thử tìm tới những nơi người ta làm việc đó rồi quan sát, cảm nhận vài hôm. Đảm bảo bạn sẽ biết ngay là mình thật sự thích hay không thích!
Nếu không bạn sẽ mắc một sai lầm khủng khiếp là một số sinh viên bù đầu học hành, tới năm thứ 4 đi thực tập mới phát hiện ra… mọi thứ khác xa với tưởng tượng của họ.
Có ích thật không?
Sau khi trái tim đã lên tiếng, sau khi đã chọn được ngành mà mình thích. Lúc này bạn bắt đầu dùng đầu óc của mình để phân tích năng lực bản thân để chọn được trường phù hợp.
Có một câu chuyện không biết thực hư thế nào song tôi thấy rất thú vị. Tương truyền khi người ta phỏng vấn Bill Gates “nếu có cơ hội trở quay lại thời trẻ ông có muốn học một trường đại học nào đó không”, ông đã hỏi lại “thế có trường nào giúp tôi thực hiện cho ước mơ đem máy tính tới toàn nhân loại không?”, tay phóng viên im bặt. Bill Gates nhẹ nhàng chốt “nếu có, tôi sẽ học, chắc là có ích”.
Do vậy đừng coi trường Đại học là một ước mơ hay một đích đến vì nó đơn giản chỉ là một phương tiện, một công cụ hỗ trợ bạn trên con đường thực hiện ước mơ. Cá nhân mình thấy chỉ cần trường đó có ngành có thể hỗ trợ được tốt cho niềm đam mê, cho ước mơ của bạn là được, là có ích rồi. Không nhất thiết trường đó phải có điểm cao quá, vì ai dám chắc một sinh viên Ngoại Thương làm kinh doanh tốt hơn một sinh viên Kinh tế Quốc dân, hoặc ngược lại?
Hãy nhớ, yếu tố đam mê mới là then chốt, chính đam mê đam mê sẽ tạo nên sự đột phá!
Có nhích không?
Nếu như câu hỏi có thích không thì chỉ có bạn có được câu trả lời tốt nhất, có ích không thì có thể tham khảo ý kiến bạn bè người thân. Thì câu hỏi có nhích không, bạn nên tham khảo nguồn thông tin uy tín để biết được xu hướng xã hội, biết được nhu cầu trong tương lai.
Còn nhớ, năm 2007 ai cũng bảo tôi ngành ngân hàng hót lắm, “vào đi con, ra trường bố mẹ lo đầu ra cho”. Giờ thì sau mấy cú khủng khoảng kinh tế, thấy nó hót đúng nghĩa. Ở Việt Nam thì tôi không để ý lắm, song nghe nói các ngân hàng trên thế giới giảm biên chế hàng loạt, nhiều anh em bà con ngồi trên ghế nóng mà toát mồ hôi hột.
Do vậy, ngoài việc theo dõi tin tức, đài báo để nắm tình hình ngành nghề đất nước, bạn có thể tham dự các hội thảo nghề nghiệp để hỏi ý kiến chuyên gia, hoặc đơn giản hơn là bạn có thể đọc sách để nắm bắt xu hướng nghề nghiệp trên thế giới. Và bạn sẽ trả lời được câu hỏi “Có nhích không”
Hãy theo đuổi đam mê của mình, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc!
Nhắc tới Henry Ford, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới một nhà cách mạng trong lãnh vực sản xuất, ông là người đầu tiên áp dụng dây chuyền lắp ráp để cho ra đời hàng loạt những chiếc ô-tô giá rẻ và trở thành một trong những người giàu nhất thế giới ở thế kỷ 20.
Song ít ai biết xuất phát điểm của ông cũng bình thường như bao người khác, một cậu bé thôn quê nghèo với tài sản duy nhất là vỏn vẹn 8 năm học hành, cùng niềm đam mê máy móc vô cùng lớn. Chưa kể, việc người mẹ mất sớm cũng là một cú sốc lớn trong cuộc đời ông. Song niềm đam mê máy móc đã truyền động lực cho ông vượt qua nghịch cảnh, và trở thành một doanh nhân thành công, một trong những người giàu có nhất thế kỷ 20.
Năm 1919, một tờ báo đã trỉ trích ông là dốt nát, vụ việc đã được đưa lên tòa. Tại phiên tòa, luật sư bên bị đưa ra hàng loạt câu hỏi kiểm tra kiến thức phổ thông, bên bị đơn đã cười ồ lên khi Ford không trả lời được những câu đơn giản. Song ông đáp lại “Có thể tôi không biết câu trả lời các vị muốn nghe, song tôi có một cái điều khiển, và chỉ cần bấm một nút, tôi sẽ triệu tập tất cả những người giỏi nhất để giúp tôi trả lời chúng”. Kết quả, Ford thắng kiện và được bồi thường 1 triệu đô.
Tuổi 18 nên làm gì?
Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể hành động ngay, và tìm ra niềm đam mê của mình, cũng như có được sự lựa chọn phù hợp nhất cho hướng đi sắp tới.
Tìm việc mình thích và làm thử.
Điều này sẽ giúp bạn có thêm trải nghiệm, vừa giúp bạn khám phá ra niềm đam mê thực thụ của mình. Cổ ngữ có câu, thành công giống như một cái thang, bạn không thể leo lên đó với hai tay đút túi quần. Đam mê cũng vậy, bạn càng trải nghiệm nhiều, bạn càng có cơ hội tìm ra đam mê thực thụ của mình sớm, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm hàng tấn thời gian sau này. Nếu điều kiện không cho phép bạn tham gia trực tiếp, thì bạn cũng có thể tới môi trường nơi có công việc bạn yêu thích và tìm hiểu, cảm nhận.
Như bạn đã biết, niềm đam mê tin học đã thúc đẩy tôi tạo ra một Blog cá nhân vào năm 2008, và lập ra rồi thì chả nhẽ lại không viết. Nên tôi bắt đầu tập viết với vốn liếng duy nhất là khả năng comment, chém gió ở các diễn đàn trước đây. Mới đầu tôi không biết viết gì cả, nên tôi buộc phải đọc sách nhiều hơn, và nhờ đó tôi phát hiện ra rằng mình cũng rất thích đọc sách, rất thích viết ra những quan điểm, những kinh nghiệm ứng dụng của mình để chia sẻ cho người khác. Và niềm đam mê lại dẫn lối tôi đến một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, đó là kỹ năng sống.
Và ngay khi là sinh viên năm hai, tôi đã tìm hiểu về một số công ty kỹ năng và tham gia thử với vai trò hỗ trợ, mà gọi vui là “điếu đóm” cho các thày. Tôi dần dần thấy yêu thích công việc này, cái cảm giác đi giúp đỡ mọi người và nhìn thấy sự thay đổi tích cực diễn ra từ ngay ánh mắt, từ nét mặt họ khiến tôi say mê. Tôi tự nhắc bản thân mình một ngày nào đó, mình cũng sẽ truyền cảm hứng thay đổi cho hàng ngàn người.
Tìm trường mình thích và học thử.
Làm sao biết bạn có thực sự thích một thứ gì đó nếu bạn không thử. Thật ra không khó lắm để có thể xin vào “học ké” ở một lớp trên đại học nào đó, đã có rất nhiều bạn làm được điều này rồi. Lưu ý là khi đi học thử như vậy, bạn nên chọn lớp của sinh viên năm nhất, và môn nào dễ thở một chút vì mục đích của chúng ta là cảm nhận môi trường, cách giảng dạy, cách sinh viên ở đây sinh hoạt, học tập… chứ không phải là kiến thức.
Tìm người bạn ngưỡng mộ và học hỏi.
Bây giờ là thời đại thông tin, thật không khó để tìm được một ai đó đã đạt được một thành tựu nào đó mà bạn khao khát. Nến nếu bạn muốn làm tốt như họ, thậm chí tốt hơn họ, thì hãy tìm cách học hỏi từ họ. Nếu họ là những người thành công và có tâm, họ sẵn sàng dẫn dắt, chỉ lối cho bạn. Nếu không có cơ hội gặp trực tiếp, bạn có thể đọc sách, xem website của họ nếu có và liên hệ qua email nếu được.
Trước đây, không ai tin tôi có thể thuyết trình thu hút trước đám đông vì dù viết hay, song tính tôi vốn trầm, không hài hước cho lắm. Cho tới khi tôi tìm được một người thầy, một bậc thày diễn thuyết tên là Darren Lacroix, từ một người không có chút năng khiếu nào, trở thành nhà vô địch Toast Master năm 2001 (một cuộc thi hùng biện tầm quốc tế) với bài diễn thuyết 7 phút rộn tiếng cười, cùng một thông điệp mạnh mẽ “Nếu tôi có thể làm được, thì bạn còn có thể làm được hơn thế nữa”.
Từ ông, tôi nghiệm ra một điều rằng mọi kỹ năng trên đời này đều có quy trình, những gì thuộc về năng khiếu thì đơn giản là một quy trình đã được tạo hóa ưu ái cài đặt sẵn. Nhiệm vụ của bạn là thành thục quy trình đó.
Tìm hiểu và làm chủ chính bản thân mình.
Hiểu bản thân, chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Bạn có thể tìm hiểu và tham dự những khóa học về nhận thức, phát triển bản thân hoặc đơn giản nhất là đọc sách về chủ đề này.
Nói về đọc sách, tình cờ đọc được một đoạn phỏng vấn giám đốc của Thái Hà Books, tôi thấy có một thông tin rất đáng phải suy ngẫm. Người Việt Nam chúng ta trung bình đọc mỗi năm đọc 3 cuốn, trong đó có tới 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Trong khi đó Thái Lan, một nước láng giềng của ta mỗi năm mỗi người đọc khoảng 5 cuốn sách, không kể sách giáo khoa.
Chưa cần biết bạn nắm trong tay bí quyết gì để hạnh phúc, để thành công. Song một trong những cách giúp bạn chắc chắn thất bại trong thời đại này, đó là không đọc sách. Không những nó khiến thui chột khả năng tự học của bạn, từ đó cũng giới hạn việc thức bản thân.
Có hai cuốn sách mà tôi rất tâm đắc, một cuốn đã giúp tôi nhận ra tiềm năng bên trong mình to lớn như thế nào, là cuốn “Đánh thức người khổng lồ trong bạn” của Anthony Robbins, diễn giả truyền cảm hứng động lực số 1 thế giới. Thứ hai là cuốn “Chiến thắng trò chơi cuộc sống” của Adam Khoo, cuốn sách giúp tôi nắm được những quy trình hiệu quả để hạnh phúc, thành công. Bạn nên tìm đọc.
Hẹn gặp lại bạn! Chúng ta sẽ chia tay nhau bằng một câu chuyện!
Chắc tôi là một người may mắn, nên hay tình cờ được bạn bè chia sẻ những câu chuyện thú vị. Truyện kể về một khu rừng nọ có phong trào thi thố cạnh tranh rất mạnh, hổ báo thi chạy, khỉ vượn thi trèo, voi và sư tử đọ sức v.v… song chỉ có giun đất, chim, và cá thì thường xuyên làm khán giả. Một ngày nọ, chúng quyết định xem thế đã đủ, phải hành động, phải thi thố.
Giun thì đề xuất thi đào đất, cá thì đề xuất thi bơi, chim thì đề xuất thi bay… không con nào chịu con nào. Cuối cùng hội đồng khu rừng quyết định sẽ tổ chức thi cả ba môn và lấy điểm tổng. Thế là từ hôm ấy, cá bắt đầu tập… bay, còn chim dùng mỏ để đào đất. Còn giun thì cũng rất chăm chỉ.
Đến ngày thi, cá do thường xuyên tập nhảy trong tình trạng thiếu dưỡng khí, sức khỏe giảm sút, nên thành tích cũng kém hơn mọi khi, điểm cao nhất của cá là bơi thì chỉ được 6, bay được 2, đào đất được 1, tổng lại là 9. Còn chim thì do tập bơi quá căng, nên phải băng bó một bên cánh, thành tích cũng giảm, điểm bay 7, bơi 2, đào đất thì do bị tòe mỏ nên không tham gia, tổng lại là 9. Còn giun, trong khi cá tập bay, chim tập bơi, cậu chỉ tập mỗi thế mạnh của mình là đào đất nên cậu dễ dàng có điểm 10 môn đào đất, 2 môn kia cậu từ chối tham gia.
Phần thắng chung cuộc đã thuộc về giun.
Một câu chuyện đơn giản, song một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc phát huy điểm mạnh, tận dụng đam mê, hãy nhớ bạn có thể thành công trong bất kỳ lãnh vực nào, khi bạn trở thành người giỏi nhất ở lãnh vực đó. Tóm lại, hãy là… một chú giun tuyệt vời!
Hạnh phúc luôn bên bạn!
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét