Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi
10/3/14

Quả là hành trình học 10.000 từ tiếng Anh có vô vàn gian khó, và động lực tiếp bước cho mình là niềm tin : tiếng Anh suy cho cùng cũng chỉ là một ngôn ngữ, mà tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ, về độ khó thì tiếng Việt có phần nhỉnh hơn (phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam” mà ^^!), mình đã có thể thành thạo tiếng Việt như vậy, chả nhẽ lại chịu thua tiếng Anh?
Các cụ có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, do vậy đợt vừa rồi mình đã dành thời gian để “tìm hiểu đối phương” khá kĩ, và kết quả là khi hiểu bản chất thì không những việc học trở nên đơn giản hơn, mà mình còn tìm ra phương pháp “CuCaSuSu” vô cùng thú vị, thậm chí còn đỉnh và dễ dùng hơn cả kĩ thuật “vitasusu” huyền thoại trong bài “Học Anh Siêu Vui”
Đầu tiên, chúng ta hãy khám phá một chút về bản chất của ngôn ngữ nhé!
Hiểu một cách đơn giản thì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp do con người sáng tạo ra, mục đích là truyền đạt các ý tưởng một cách hiệu quả. Ví dụ khi nhắc tới một thứ “dài dài, vàng vàng, sờ mềm mềm” bạn nghĩ tới cái gì? 99.99% những người mình hỏi đều bật ngay ra từ “quả chuối”. Và khi ta ra chợ và muốn mua quả đó, bạn không cần mất công giải thích về một loại quả “dài dài, vàng vàng, sờ mềm mềm” mà chỉ đơn giản là dùng từ “chuối”, thế là xong! Song hãy hình dung, nếu bạn không phải là người Việt, mà là người Anh thì gọi cái quả “dài dài, vàng vàng, sờ mềm mềm” là “banana”.
Nếu đã đọc bài “Thuộc nhanh nhớ chuẩn” bạn đã biết bản chất của trí nhớ là sự liên kết thông tin, và nhìn vào mô hình trên bạn sẽ dễ dàng giải thích tại sao khi nhắc tới loại quả “dài dài vàng vàng sờ mềm mềm” đó bạn lại bật ra từ “chuối” thay vì từ “banana”. Đó là vì những năm qua đã biết bao lần bạn hái chuối, cầm chuối, ăn chuối, có khi… trượt vỏ chuối nên ý tưởng đó được liên kết với từ “chuối”  mạnh hơn nhiều so với từ “banana”, còn nếu bạn là người Anh thì điều ngược lại xảy ra.
Như vậy, có thể nói bản chất của việc thành thạo một ngôn ngữ chính là sự liên kết mạnh mẽ giữa ngôn từ với ý tưởng cần truyền đạt (thường là một tổ hợp hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị, cảm xúc… nào đó, mình gọi chung là ý tưởng). Bạn càng có nhiều liên kết, liên kết càng mạnh thì bạn càng thành thạo. Và một ý tưởng vui là nếu bạn dày công tự tạo ra một hệ thống ngôn từ riêng để liên kết và biểu đạt ý tưởng, rồi truyền bá khắp thế giới, bạn sẽ không bao giờ phải học ngoại ngữ nữa! Song quan trọng hơn cả là từ đó chúng ta rút ra bí quyết để giỏi ngoại ngữ…
Đó là… chăm chỉ, chăm chỉ tạo liên kết!
Có thể bạn sẽ nói rằng “ôi zời ơi! ai mà chả biết”, song không đơn giản như vậy. Nếu đã đọc bài “Lười… hãy cứ cười” bạn sẽ thấy rằng chăm chỉ cũng có hai phong cách. Giống như hai người cùng thi leo lên nóc nhà cao tầng, một người chăm chỉ leo thang bộ, khi tới nơi họ phát hiện ra người kia đã tới nơi từ lúc nào. Té ra có thang máy ở góc khuất mà người kia đã chăm chỉ tìm kiếm ra, và tiết kiệm hàng giờ mệt nhọc! Giả sử chúng ta có một danh sách từ sau đây cần học thuộc.
Pomelo : Quả bưởi
Guava : Quả ổi
Papaya : Quả đu đủ
Cách thuộc lòng phổ biến nhất là “lẩm bẩm” cho tới khi có cảm giác thuộc, nhưng thường dẫn tới tình trạng là sau này gặp lại “trông từ này quen lắm, nhưng không tài nào nhớ được”. Nguyên do là với cách lẩm bẩm này chúng ta chủ yếu tạo ra liên kết tạo giữa từ với từ, nếu bạn đã đọc bài “Mật mã Đờ Vanh Su” bạn sẽ thấy làm như vậy chỉ tận dụng được một phần nhỏ công năng của não trái.
Slide2
Trong khi đó từ bé tới giờ chúng ta giỏi tiếng Việt như vậy là do chúng ta đã tạo ra các liên kết giữa Ý tưởng với Từ bằng toàn não bộ. Gần đây thì các giáo trình, từ điển hiện đại đều được cải tiến, hỗ trợ chúng ta thêm những ví dụ và hình minh họa sinh động để kích thích một chút não phải. Song khi bị “kích thích” nhẹ nhàng và “bị động” như vậy, thì các liên kết tạo ra vẫn chưa đủ ấn tượng, do vậy nhiều người vẫn mua sách đĩa về rồi vứt đó chỏng chơ vì không hiệu quả.
Tóm lại, thay vì tạo liên kết giữa Từ với Từ, chúng ta cần phải tạo ra liên kết giữa Ý với Từ, liên kết càng ấn tượng, càng thú vị, càng hài hước, càng tận dụng sức mạnh của hai bán cầu não thì càng nhớ lâu. Và dưới đây là phương pháp “CuCaSuSu”. ARE YOU READY?
“CuCaSuSu” thực ra là viết tắt của “Chữ cái Sung Sướng”.
Giả sử ta cần học từ “Pomelo” là “Bưởi”. Chúng ta sẽ tìm cách liên kết ý tưởng “Bưởi” với các chữ cái trong từ POMELO. Bản thân mỗi chữ cái chúng không có nhiều ý tưởng lắm để ta liên kết, vậy thì làm sao bây giờ nhỉ? Nếu bạn đã đọc bài “Rèn trí tưởng tượng” bạn đã thấy mình biến hóa các con số thành hình ảnh, nếu bạn nhìn kĩ một chút thì các chữ cái còn dễ biến thành hình ảnh hơn là số!
pomelo1
Ví dụ trên đây mình thấy chữ P rất giống cái vợt bắt bướm, chữ O giống quả địa cầu, chữ M giống con nhện, chữ E thì giống cái đinh ba của trư bát giới, chữ L giống cái cuốc đất của người nông dân. Sau khi đã hóa hình cho các chữ mình bắt đầu sử dụng hình dung tưởng tượng thành một câu chuyện lạ lùng, trong đó xuất hiện các hình ảnh trên, cùng với càng nhiều từ “bưởi” càng tốt.
Một trái “bưởi” khổng lồ màu đỏ đang bay tới, mình nhanh trí lấy vợt bắt bướm (P) đỡ được và cứu nguy cho cả trái đất (O), song bỗng nhiên quả “bưởi” nổ tung ra thành những con nhện (M) và rơi, quá nguy cấp thế là trư bát giới xuất hiện,  anh định dùng đinh ba (E) để sọc “bưởi” nhưng quên mất ở nhà, nên mượn cuốc (L) của bác nông dân để ném “bưởi”, một lần nữa trái đất (O) lại được cứu ^^! anh em mở tiệc mừng ăn “bưởi” no nê!
Tóm lại Bưởi là …
{ hãy thử nhắm mắt, hình dung lại câu chuyện xem bạn còn nhớ gì ko ? }
Bạn thấy cách học này thú vị chứ? mình tin là nếu bạn bật cười khi đọc câu chuyện trên, bạn sẽ còn nhớ từ POMELO này tới tận tuần sau, nếu bạn ôn lại câu chuyện trên khoảng 3 lần, bạn sẽ nhớ mãi luôn. Bây giờ bạn hãy thử áp dụng với từ GUAVA là Quả ổi, và so sánh với mình bên dưới nhé.
guava2
Khi nghĩ tới chữ G, mình nghĩ tới logo của Tivi LG nên mình chọn TV, còn chữ U thì là nam châm, chữ A thì giống cái cầu thang, còn chữ V trông giống những con chim đang bay, nếu bạn để ý chữ A cuối mình thay hình phi thuyền, mục đích là để cho câu chuyện thêm sinh động hơn. Và đây là câu chuyện giúp mình nhớ được từ này, lưu ý là từ Ổi càng xuất hiện nhiều lần càng tốt.
Một quả “ổi” cứng như đá lao tới khiến cho cái Tivi (G) vỡ tung ra thành những mảnh“ổi”, mình dùngnam châm (U) để hút chúng lại để sửa, không ngờ hút phải một cái cầu thang sắt (A) của một chú công nhân đang sửa điện, chú ta ngã và đầu mọc một quả “ổi” to tướng, tự nhiên có bầy chim (V) lao tới và điêu khắc quả “ổi” ấy thành hình phi thuyền (A) rất đẹp!
Tóm lại Ổi là … { bạn thử hình dung lại xem nhớ ko nhé? }
Mình tin là sau hai ví dụ trên bạn đã hiểu hơn về phương pháp này rồi, bản chất của nó là liên kết ý nghĩa của từ với từ đó một cách thú vị bằng cách biến hóa những chữ cái thành hình ảnh. Nếu đã đọc bài “Dựa vai người khổng lồ” bạn sẽ biết một điều chắc chắn là càng ứng dụng nhiều, bạn sẽ càng liên kết nhanh hơn, sáng tạo hơn, và thậm chí nghĩ ra nhiều cách thú vị hơn để liên kết. Sau đây là một số kinh nghiệm của mình để giúp quá trình liên kết của bạn được hiệu quả.
1. Làm sao tăng tốc độ liên kết?
Nhiều bạn khi mới áp dụng, cảm thấy sẽ khá chậm. Kinh nghiệm của mình là bạn nên xây dựng trước và thuộc sẵn bảng chữ cái tương ứng với  hình ảnh và thuộc chúng. Lúc ấy việc liên kết sẽ nhanh và dễ hơn rất nhiều. Bạn có thể tự xây dựng hoặc tham khảo bảng chữ-hình của mình.
he chu-hinh
Một chữ cái có thể tương ứng với nhiều hình ảnh khác nhau để giúp cho câu chuyện của bạn thêm sinh động, nhưng không nên trùng với chữ cái khác để tránh nhầm lẫn.Ví dụ nếu ở trên kia mình chọn cầu thang và phi thuyền đại diện cho chữ A rồi, thì mình sẽ không dùng chúng cho chữ V nữa.
2. Làm thế nào để nhanh hơn nữa? Và khi nhiều hình ảnh bị lặp, khó tạo truyện thì sao?
Thời gian đầu khi bạn làm, bạn sẽ phát hiện ra có những câu truyện sẽ hơi trùng lặp một chút (do số từ thì nhiều, mà số chữ cái thì chỉ có giới hạn). Kinh nghiệm của mình thì một là bạn tạo hình ảnh mới cho chữ, hai là khi bạn thấy những chữ cái nào gần nhau mà tạo thành một cụm từ có nghĩa thì bạn nên tận dụng chúng luôn, đỡ phải liên kết với từng chữ cái một.
Mình sẽ lấy ví dụ là từ PAPAYA nghĩa là quả Đu đủ.
Nếu làm theo cách cơ bản, biến từng chữ cái một thành hình ảnh thì có khả năng cao là chữ A bị lặp 3 lần, chữ P lặp 2 lần suy ra muốn liên kết câu chuyện hay thì bạn cần 2 hình ảnh cho chữ P, 3 hình ảnh cho chữ A. Cũng được, song khá mất công. Do vậy mình chỉ cần để ý một chút và thấy từ PAPA nghĩa là ông bố, do vậy mình chỉ cần liên kết những hình ảnh sau đây.
papaya
Đu đủ bố (PAPA) và đu đủ con cãi nhau, thế là cầm ná cao su (Y) bắn nhau loạn xạ, khiến họ hàng nhà đu đủ bắn be bét, họ sợ quá phải dùng phi thuyền (A) hình đu đủ để sơ tán lên sao… đu đủ ^^!
Tóm lại Đu đủ là … { bạn thử hình dung lại xem nhớ ko nhé? }
Khi bạn gặp những từ dài, thì phương pháp hóa hình ảnh cho “cụm chữ cái” bên trên cũng rất hiệu quả. Song lưu ý là mỗi từ hãy cố gắng giữ lại ít nhất 3 hình ảnh, nó sẽ giúp việc tạo câu chuyện ấn tượng dễ hơn là chỉ có 1 hoặc hai hình ảnh. Ví dụ bên trên mình hoàn toàn có thể liên tưởng từ YA với việc “nhảy lên và hét YA” và tạo ra câu chuyện là “một ông bố (PAPA), phát hiện ra quả đu đủ rất ngon, ăn xong nhảy lên hét YA”, cũng được song sẽ không ấn tượng lắm với não bộ.
3. Làm gì khi gặp các từ có nghĩa trừu tượng ?
Nếu bạn để ý những từ bên trên đa số nghĩa của chúng đều khá rõ, có hình ảnh cụ thể (bưởi, ổi, đu đủ…), còn những từ ví dụ như ADEQUATE nghĩa là “đầy đủ, đáp ứng” khá trừu tượng thì làm thế nào?
Rất đơn giản, nếu nó trừu tượng thì bạn phải cụ thể hóa nó bằng cách liên tưởng tới một đồ vật, con vật, nhân vật, hoặc bất kì thứ gì có hình ảnh. Trong trường hợp trên, “đầy đủ, tương xứng” khiến mình liên tưởng tới một “cái bụng no căng”. Còn ADEQUATE mình tách ra là A, DE, QUA, TE và linh hoạt tạo hình ảnh mới với các từ DE, QUA, TE.
Theo bảng chữ-hình của mình thì D là quả dưa, E là cái đinh ba của lão trư, nên mình ghép hai cái này vào là thành một hình ảnh ấn tượng là… quả dưa hình con lợn. Còn QUA thì thêm dấu nặng vào là thành con Quạ ^^!, còn TE thì thêm dấu sắc vào là thành chữ Té. Vậy thì câu chuyện có thể là :
Một chú có một cái bụng no căng đang ì ạch trèo cầu thang (A) thì có một quả dưa hấu hình con lợn (DE) rơi xuống, ngon quá anh ta há miệng đớp bộp một phát, lại no căng level 2, no quá không chịu được thì may quá, có chú QUẠ bụng cũng no căng lao tới mổ vào bụng khiến bụng chú xì hơi ^^! còn chú quạ thì TÉ xuống cái rầm ^^!
Tóm lại Bụng no căng (đầy đủ, đáp ứng) là …
{ bạn thử hình dung lại xem nhớ ko nhé }
4. Làm gì khi không tưởng tượng được chữ cái hay cụm chữ cái thành hình ảnh?
Lúc này bạn có thể linh hoạt áp dụng phương pháp Vitasusu để biến thành hình ảnh. Đầu tiên là một câu chuyện giúp bạn nhớ lại Vitasusu là gì. Đây là sản phẩm mình nhận được từ bạn Rei Akimoto ở một CLB Tiếng Anh, bạn rất thích phương pháp Vitasusu, nên đã làm một câu chuyện khá thú vị.
vitasusu1
vitasusu2
Chúng ta sẽ áp dụng như thế nào, cũng đơn giản thôi. Ví dụ bên trên từ Garlic là củ tỏi, thì bạn cũng bỏ đi nguyên âm là còn G R L C, song thay vì chúng ta chơi chiếc nón kì diệu cho cả 4 chữ đó khá khó, thì mình áp dụng cho 2 chữ thôi. Ví dụ G… R… là  Gà Rán (KFC); còn L… C… là Lợn Con. Sau đó mình bắt đầu liên kết chúng với Củ Tỏi giống như bên trên.
Một Củ tỏi bước vào quán cơm gọi mọn gà rán KFC (GR), nhà hàng thông báo không có món đó, mà chỉ có món “Lợn con om tỏi” thôi, Củ tỏi giật mình, chạy mất tiêu ^^!
Tóm lại Củ tỏi là GRLC, hay là … { là gì í nhở ? } 
Đó là những kinh nghiệm của mình trong quá trình khám phá và áp dụng phương pháp này. Nếu quá trình bạn áp dụng có gì khó khăn, hãy cứ comment chia sẻ và chúng ta sẽ cùng giúp đỡ lẫn nhau.
Còn bây giờ, mình sẽ kết thúc bài này bằng một thí nghiệm, đó là chúng ta sẽ thử ghi nhớ dễ dàng một từ nằm trong top 10 từ khó nhớ nhất tiếng Anh nhé! Đó là từ…
Honorificabilitudinitatibus
Từ này có nghĩa là. “với sự vinh quang”, được Shakespeare sử dụng trong một tác phẩm “Love’s Labour’s Lost”, và cũng có mặt trong từ điển Oxford. Từ này khá dài và phức, nên mình sẽ ứng dụng kết hợp tất cả các phương pháp liên kết thú vị, bao gồm Vitasusu, Cucasusu để liên tưởng hình ảnh.
Đầu tiên nghĩa của từ này khá trừu tượng, nên mình sẽ biến thành một hình ảnh cụ thể. “với sự vinh quang” làm mình nghĩ tới hình ảnh chiếc “huy chương vàng”. Còn bây giờ ta sẽ tách các cụm chữ cái ra và tìm cách liên kết với một thứ gì đó thú vị, có hình ảnh.
Honor   ificab ili tudini tat i bus
Honor : bản thân từ này cũng là danh dự, tôn kính, mình liên kết tới hình ảnh ông cụ (ho lụ khụ) và bụng nocăng, thêm cái râu dài và đeo huân chương vàng chữ R  (ho + no + R)
ifi cab : một mũi tên (i) phi rất nhanh (fi) vào huân chương định phá vỡ nó, song ông cụ rất nhanh giơ cái cabin (cab) lên đỡ ^^!
ili : chữ i trông rất giống một cánh tay đưa lên trời, cho nên ili mình hình dung là một người đang đầu hàng vậy (2 cánh tay đưa lên trời), liên kết tiếp vào câu chuyện là : thì ra kẻ bắn mũi tên định lấy trộm huân chương là một anh nông dân (chữ l) , thấy ông cụ giỏi quá nên đưa tay lên đầu hàng.
tudi ni : đọc lên nghe như là “tú đi” vậy, liên kết tiếp thành ông cụ thấy thế, vì là một người rất đáng kính trọng nên ông cũng không thù hằn gì anh kia cả mà rủ “chơi tú đi” ^^! chữ n giống hình tia sét, i giống mũi tên -> 2 người đang chơi thì một cơn giông, sấm chớp ầm ầm (N) và rơi xuống những mũi tên rất to ^^! => Sấm chớp, mưa tên  (Ni)
tat i bus: đọc lên nghe giống như là tát (tát nước), i giống mũi tên, bus là xe bus, mình liên kết thành, khi mưa to ngập, ông cụ mải tát nước thì anh này lấy mũi tên khều cái huân chương, sau đó nhảy lên xe bus và biến mất ^^! Câu chuyện hoàn chỉnh như sau :
Một huân chương được đeo trên ngực ông cụ ho lụ khụ, bụng no căng, râu dài ngoằng song rất đáng kính trọng (Honor), bỗng nhiên có một mũi tên phi đến (ifi) ông cụ nhanh tay giơ cabin lên đỡ(cab). Thủ phạm là anh nông dân, thấy ổng giỏi quá giơ hai tay lên đầu hàng (ili). Ông cụ rủ anh ta“chơi tú đi”, chơi đang vui thì một tiếng sấm long trời lở đất vang lên kèm cơn mưa toàn mũi tên (Ni), mưa ngập kinh quá, ông cụ đành phải đi tát (tat) nước, nhân lúc ổng ko để ý, anh chàng lấy cái mũi tên(i) khều mất huân chương và nhảy lên xe bus biến mất ^^!
Tóm lại huân chương (hay với sự vinh quang) là …
{ bạn hãy hình dung lại xem có nhớ ko nhé? }
Bạn thấy thế nào? Thực ra khi có phương pháp thì cũng không khó lắm nhỉ. Mình tin là nếu bạn đọc lại câu chuyện trên vài lần, hoặc tự chế ra một câu chuyện của riêng bạn với những hình ảnh, liên kết ấn tượng thì bạn sẽ làm bạn bè của mình rất ngạc nhiên đấy!
Cuối cùng, nếu bạn muốn tham khảo thêm nhiều ví dụ sinh động của những “cao thủ” đã thành thục phương pháp này, cũng như  đóng góp những ý tưởng tuyệt vời của bạn, hãy lên ngaywww.phut59.com để tham khảo nhé! Chúc tiếng Anh sớm trở thành tiếng… bố đẻ của bạn ^^!

Q & A : Hỏi thông minh đáp hiệu quả ^^!

Dưới đây là một số câu hỏi mà nhiều bạn hỏi mình, bạn cũng có thể đặt câu hỏi ở phần comment phía dưới. Rất cảm ơn bạn, mong tin tốt lành từ bạn.
1. Nên mở rộng vốn từ như thế nào? 
Mình luôn cố gắng mở rộng từ những từ quen thuộc nhất, có tính ứng dụng cao nhất như qua phim, qua sách tư liệu phục vụ chuyên môn của mình. Khi gặp từ mới nào, mình đều nhập nó lại vào một file excel để thi thoảng tra cứu lại. Ngoài ra mình tình cờ tìm được web này có 3000 từ vựng thông dụng rất hay. 3000 từ tiếng Anh thông dụng và tiện ích quản lý.
2. Cách trên đòi hỏi trí tưởng tượng phải khá tốt?
Đúng vậy, và tin vui là trí tưởng tượng rèn được, trên Blog này mình đã chia sẻ một số cách giúp rèn trí tưởng tượng và tư duy hình ảnh, ví dụ như bài Rèn trí tưởng tượng. Còn những bài tập rèn luyện bí truyền và bài bản, cùng những kỹ thuật sử dụng não bộ tuyệt vời sẽ được bật mí trong một cuốn sách mình đang viết, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Bạn có thể theo dõi những thông tin mới nhất của mình, cũng như về cuốn sách và ủng hộ mình tại page Nguyễn Chu Nam Phương nhé!
3. Cách trên nhớ mặt chữ khá dễ, còn phát âm thì sao?
Thật ra khi phát hiện ra cách này thì về trình độ tiếng Anh, khả năng nghe & phát âm của bản thân mình cũng đã khá tốt (nhớ mặt chữ là gần như có thể phát âm khá chuẩn, hoặc nghe người ta phát âm là mình có thể viết được ra, song chưa chắc đã nhớ nghĩa), do đó mục đích chính của nó là nhớ nghĩa, nhớ mặt chữ, rất hữu ích cho việc đọc sách, đọc tài liệu (và cũng là nguồn mà mình tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất, chứ ít khi có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài.
Song thật ra, nó cũng có thể dùng kèm với các phương pháp khác, vì bản chất của nó là tạo ra sự hứng thú cho não bộ khi nhìn vào từ đó. Nên hoàn toàn có thể vừa áp dụng cách này, vừa kết hợp thêm với việc tập phát âm nữa, ví dụ mỗi lần liên kết xong với một chữ cái, thì phát âm thành tiếng một lần, có thể sẽ hơi mất thời gian hơn một chút, song đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên. Hơn nữa cái gì cũng vậy, càng làm càng thành thạo, càng làm càng nhanh và mất ít thời gian hơn
4. Cách Cucasusu này không hay bằng Vitasusu?
Thật ra mỗi cách đều có lợi thế riêng của nó, và sẽ phù hợp với từng người, phù hợp với từng từ cụ thể. Có thể ví Vitasusu thiên về ngôn ngữ nên dành cho bạn nào thích trò “chiếc nón kì diệu”, còn Cacususu thiên về hình ảnh nên phù hợp với bạn nào thích “đuổi hình bắt chữ”. Song kinh nghiệm của mình là nên kết hợp để làm sao hiệu quả nhất, ví dụ với từ dài ngoằng bên trên, mình phải kết hợp cả 2 cách này, kèm thêm “Âm thanh tương tự” trong sách Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế! nữa thì mới nhớ được 
5. Làm cách này tuy dễ nhớ song tôi mất tận 10 phút mới xong một từ ^^!?
Có 2 lý do khiến cho quá trình này diễn ra lâu:
1. Mới tập nên chưa quen, chưa liên kết nhanh => Cần rèn trí tưởng tượng để có thể làm nhanh hơn, việc tập liên kết nhanh cũng ko mất quá nhiều thời gian, bạn chỉ cần làm liên tục khoảng 1 tiếng, đảm bảo tốc độ sẽ tăng lên nhanh chóng; hiện nếu liên kết từng chữ cái một, mình chỉ mất tối đa 1 phút, vì vừa nhìn cái là hình ảnh hiện ra ngay trong đầu rồi.
2. Liên kết từng chữ cái một, nên khá lâu => Phải tập để có thể liên kết từng cụm chữ cái một, sẽ nhanh hơn nhiều. Ví dụ khi nhìn thấy “cụm chữ cái” RE = R + E, bình thường thì là cô bé quảng khăn đó + đinh ba, song của mình có sẵn hình ảnh của RE luôn là “Cái khăn đỏ bị rách 3 mảnh”, rồi sau đó mới liên kết thì sẽ nhanh hơn nhiều, Hoặc là từ RUM thì ko nhất thiết phải tách ra là R + U + M mà Rum khiến mình nghĩ tới hình ảnh chai rượu RUM, rồi sau đó liên kết thì còn nhanh hơn nữa, mất 10-15 giây là có chuyện rồi.
Giống như tập đàn hay bất kì nhạc cụ nào cũng vậy, khi mới tập ta phải dò từng nốt, song khi đã quen nốt rồi thì chỉ cần có bản nhạc là thổi được liền ko nhất thiết phải dò từng nốt. Nói chung là bất cứ phương pháp nào cũng phải luyện, càng luyện bộ não càng thành thục, và sẽ càng làm nhanh hơn.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét