Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi
10/3/14

Một cậu bé chưa học hết lớp 1, trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất. Một người đàn ông bị điếc, trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại nhất. Chuyện viễn tưởng ư? Không, đó chính là Edison và Beethoven. Và nếu có một câu tương tự mô tả cuộc đời bạn, bạn muốn nó như thế nào?
Đọc xong bài viết này, bạn sẽ biết tới T.X.Đ, một công thức cực đơn giản giúp bạn tạo ra một mục tiêu khác biệt nhất từ trước tới nay, bạn sẽ luôn nghĩ về nó, luôn tràn đầy cảm hứng khi thực hiện nó, vì nó sẽ tạo raấn tượng của bạn trong cuộc đời này. Đầu tiên, bạn sẽ biết nền tảng khoa học của nó, sau đó bạn sẽ nắm trong tay từng bước rõ ràng, và quan trọng là bạn sẽ áp dụng luôn để ngày hôm nay và những ngày tiếp theo tràn ngập cảm hứng!
Đã bao giờ bạn có một mục tiêu đề ra, rồi cuối cùng để đó chưa? Nguyên nhân gốc rễ khiến chúng ta thất bại là gì? Quả là một câu hỏi khó, vì nếu bạn trả lời được thì mọi việc đã trở nên dễ dàng rồi.
Trong khu vườn nọ, có 2 cái cây, một cây to, một cây nhỏ. Cái cây to rất xấu hổ vì tuy to song vẫn còn nhỏ so với mấy cây hàng xóm. Nó quyết định từ nay hút được bao nhiêu chất dinh dưỡng nó sẽ dồn hết lên trên để nuôi thân. Một ngày kia nó rất vui khi phát hiện ra mình đã cao lớn gấp đôi. Nhưng khi một cơn bão ập tới, trong khi các cây khác bình yên vô sự, duy nhất nó bị đổ chổng kềnh với một thắc mắc “sao cái cây nhỏ không đổ”. Sự thật là cái cây nhỏ có bộ rễ rất sâu và khỏe, còn nó thì ngược lại.
Tại sao cây to thất bại? Do nó thiếu hiểu biết về chính bản thân mình. Nó không biết bộ rễ có vai trò rất quan trọng, nên tập trung hết sức vào những thứ khác. Con người chúng ta nhiều khi cũng vậy, có lẽ khi sinh ra, mắt chúng ta hay nhìn ra ngoài nên ít ai biết tình trạng “bộ rễ” bên trong mình. Và khi sóng gió tới, khi thất bại, họ vẫn không hiểu tại sao mình thất bại.
“Rễ” của chúng ta?
Vậy “bộ rễ” của chúng ta là gì? Lông, tóc… chăng, trông cũng giống mà? Không phải. Nếu rễ rút nước và dinh dưỡng từ lòng đất và chuyển lên trên giúp tạo ra thân cành hoa lá, thì “bộ rễ” của chúng ta cũng phải có chức năng tương tự. Chả nhẽ là… mồm? vì ta đưa nước và thức ăn qua đó mà? Không phải. Những thứ ấy chỉ là nhánh nhỏ của thứ rất quan trọng này mà thôi.
Khi một ai đó thất bại, thì nguyên nhân có thể là gì? Chẳng phải chúng ta hay nói do “ý chí” kém, do thiếu “quyết tâm”, do thiếu “kiên nhẫn” hay sao? Tất cả những thứ này từ đâu ra? Nếu là từ tay, chân hay những thứ bên ngoài khác thì đã không có Nick Vujicic, anh chàng không tay không chân tuyệt vời. Do đó, chỉ có thể là từ một thứ mà thiếu nó chúng ta sẽ chết ngay, đó là bộ não. Bộ não hút năng lượng từ cuộc sống, và giúp ta chuyển hóa thành ý tưởng, hành động, và tạo nên những điều tuyệt vời. Cho nên, không không hiểu về bộ não, bạn chắc chắn thất bại!
Điền vào chỗ trống
Sức mạnh của não bộ rất khủng khiếp, tiềm năng của não bộ rất to lớn, bạn có bộ não thiên tài. Đó là những điều mà bất cứ một cuốn sách hay một khóa học truyền cảm hứng nào cũng sẽ nói với bạn. Song thực tế thì luôn đơn giản hơn lý thuyết, phải còn một điều gì đó đơn giản hơn, mà chỉ có sự trải nghiệm thực tế mới giúp chúng ta nhận ra được.
Bạn đã xem chiếc nón kỳ diệu bao giờ chưa? Hãy thử chơi trò “chiếc nón kỳ lạ” nhé! Hãy dành 1 phút để đoán xem T.X.Đ ngoài… Tập Xác Định ra thì còn là viết tắt của 3 chữ gì khác nữa?

T… X… Đ… 

Đã có rất nhiều ý tưởng thú vị được đưa ra, vd : Thím Xinh Đẹp, Thích Xây Đập, Tím Xanh Đỏ… (lát nữa nhớ comment ý tưởng thú vị của bạn nha). Một trò chơi vui, song ẩn chứa một sở thích của não bộ, nó “thích điền vào chỗ trống”. Không nhận thức được điều này là nguyên nhân số 1 của thất bại.
Bạn đã sẵn sàng cho T.X.Đ?
Rất nhiều người đặt ra mục tiêu giảm cân, và họ biết rõ phải làm thế nào, nhưng họ không làm. Rất nhiều người đặt mục tiêu chăm chỉ hơn, và họ biết rõ phải làm thế nào, nhưng họ không làm. Rất nhiều người đặt mục tiêu phải dành thời gian nhiều hơn cho bản thân, và họ biết rõ phải làm thế nào, nhưng họ không làm. Và bạn thấy không, đặc điểm chung của họ là gì?
Họ biết quá rõ mình cần làm gì, do vậy, họ không làm, thật là kỳ lạ!!! có vẻ như con người ta có xu hướng không làm theo những gì… mình biết là phải làm!!! Tại sao vậy? Đơn giản là họ đã không tạo ra “khoảng trống” để kích thích não bộ trước khi tìm ra giải pháp.
Vừa mới đưa ra một mục tiêu, họ đã nghĩ ngay tới việc mình phải làm gì rồi, thì bộ não thiên tài lúc đó thất nghiệp, nó chẳng thèm động não để tạo sự hưng phấn nữa. Vậy làm thế nào để tạo ra một mục tiêu với khoảng trống lớn? Chẳng nhẽ cứ đặt mục tiêu càng cao, càng phi lý là được? Cũng có thể, nhưng bộ não chúng ta không hoạt động theo cách ấy, vậy nên bạn phải dùng tới T.X.Đ.
Bước T : TẬP chấp nhận điểm yếu
Nick Vujicic sinh ra không tay không chân, và anh cũng không trở thành ngay một diễn giả, anh có những khoảng thời gian vô cùng đau khổ, thậm chí muốn tự tử. Chỉ cho tới khi anh chấp nhận sự thật mình không tay không chân, mọi sự bắt đầu thay đổi. Một ý tưởng nảy đến “Sẽ ra sao một người không tay không chân như tôi, lại có thể trở thành tỉ phú và làm từ thiện?”.
Đúng vậy, đầu tiên bạn phải thừa nhận, và chấp nhận những điểm yếu của mình trước khi muốn thay đổi. Và tương tự như Nick Vujicic, nếu bạn tìm hiểu về những thiên tài, những vĩ nhân, bạn sẽ thấy tất cả bọn họ đều có điểm yếu, đều có thiếu sót. Nhưng sự khác biệt là họ biến điểm yếu đó thành một lợi thế chứ không để nó làm mình… tàn phế.
Bạn có để ý là khi bị nói về điểm yếu, người ta thường ngay lập tức có những cảm xúc mạnh mẽ không? Đó là bởi vì chúng là những ký ức khó quên, gắn liền với vùng cảm xúc trong não bạn. Và khi bạn tập được thói quen chấp nhận những điểm yếu này, chấp nhận những cảm xúc này, bạn sẽ biến bộ não thành đồng minh, bạn sẽ có được nguồn động lực mạnh mẽ.
Chính vì vậy, việc đưa cảm xúc vào mục tiêu là vô cùng cần thiết, và còn cảm xúc gì mạnh mẽ hơn nếu bạn biến những ký ức thất bại, những lời chê bai trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp bạn tiến lên? Do vậy,hãy liệt kê ra ngay ít nhất 3 điểm yếu của bạn, càng yếu càng tốt!
Bước X : XÁC lập sự khác biệt
Sau khi đã có một danh sách điểm yếu, hãy chọn ra một điểm yếu nhất, điểm mà nhiều người biết nhất, có thể họ hay lấy đó làm thứ để chê bai bạn nhất. Rồi sau đó, hãy tĩnh tâm và trả lời câu hỏi :
“Nếu có ai đó có điểm yếu như vậy, thì họ sẽ làm gì khiến mọi người sửng sốt nhỉ?”
Một người siêu hướng nội và sợ giao tiếp, lại trở thành bậc thầy về nghệ thuật nói chuyện. Chuyện viễn tưởng ư? Không. Đó là Debra Fine, tác giả của cuốn sách “The Fine Art of Small Talk” rất hay. Một người không có khiếu hài hước, lại có thể trở thành nhà vô địch diễn thuyết thế giới. Chuyện viễn tưởng ư? Không. Đó là Darren Lacroix, nhà vô địch diễn thuyết thế giới năm 2001. Một học sinh từng bị từ chối bởi 6 trường vì học quá kém, lại viết ra cuốn sách về phương pháp học tập bán chạy nhất. Chuyện viễn tưởng ư? Không. Đó là Adam Khoo, tác giả của Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế.
Bước Đ : ĐỊNH một câu tò mò
Như bạn đã thấy, hầu hết những cuộc đời truyền cảm hứng đều có thể xác định bằng một câu khiến người khác phải “Wow, sao họ làm được?”. Và khi bạn có thể truyền cảm hứng cho người khác bằng mục tiêu của mình, thì không thể nào mà nó lại không truyền cảm hứng cho chính bạn!
Vậy thì bây giờ bạn hãy kết hợp điểm yếu (T) với kết quả khác biệt tương xứng (X) để tạo ra tạo ra một câu giúp tạo khoảng trống, giúp kích thích bộ não thiên tài. Hãy viết nó một cách ngắn gọn, truyền cảm hứng nhất có thể, kiểu như “Một người …, sau đó…, ai vậy nhỉ?” rồi post lên facebook rồi xem xem mọi người sẽ tò mò như thế nào nhé ^^!
Điều quan trọng nhất!
“Em nói không hay đâu, tốt nhất em nên tập trung viết lách”. Đó là một “viên gạch” mình nhận được cách đây vài năm, nhưng lúc đó đầu mình bật ra ý tưởng “Vậy thì mình càng phải nói nhiều, vì khi mình làm được, mình sẽ có một câu chuyện hay để kể”. Nhờ viên gạch đó, mà giờ mình đã có 780 giờ diễn thuyết, một “căn nhà” cũng to đấy chứ, và gần đây nó lại được sơn thêm bởi lời nhận xét “em nói càng ngày nói càng cuốn hút”.
Do đó, ngay khi tạo ra một T.X.Đ, bạn không cần biết là mình phải làm thế nào để có được kết quả đó. Điều quan trọng là bạn cảm thấy rất hứng thú khi nghĩ về nó, đặc biệt khi làm được nó nữa thì thôi rồi, tuyệt vời trên cả sung sướng! Làm như thế nào là công việc của bộ não thiên tài, hãy tin tưởng nó bằng cách hàng ngày suy nghĩ về T.X.Đ của bạn ở bất cứ đâu. Rồi bạn sẽ thấy cuộc sống sẽ cho bạn rất nhiều gợi ý tuyệt vời mà bấy lâu nay bạn không để ý!
T : TẬP chấp nhận điểm yếu X : XÁC lập sự khác biệt Đ : ĐỊNH một câu tò mò
“Một cậu bé tốt nghiệp tiểu học trung bình vì 4 điểm môn văn, lại viết một cuốn sách độc đáo nhất từ trước tới nay”. Chuyện viễn tưởng ư? Chưa biết. Vì người bị 4 điểm đó là mình, song khi viết ra T.X.Đ này mình cảm thấy rất tuyệt, và cuộc sống đã cho mình những gợi ý tuyệt vời. Khi mình bắt đầu tìm hiểu về tiểu thuyết, mình đã tình cờ mình tìm được The Snowflake Guy, một bậc thầy viết lách.
Và khi bạn nhận được những gợi ý từ cuộc sống, bạn biết mình cần phải làm gì. Mặc dù bạn biết, nhưng cái biết sẽ này hoàn toàn khác với cái biết trước đây, nó là sự kết hợp của cảm xúc, của sức mạnh não bộ, bạn sẽ luôn mong muốn có thêm thời gian để thực hiện. Đây quả là một thách thức trong cuộc sống bận rộn. Nhưng không có nghĩa là không thể, sau khi comment TXĐ của bạn, hãy đọc tiếp bài “Làm sao có 1h cho ước mơ?”và bắt đầu biến TXĐ của bạn thành hiện thực ngay nhé!
P.s. Kể từ giờ nếu có một ai đó đang không biết mình sẽ làm gì để cuộc đời trở nên ý nghĩa, thì bạn đã biết nguyên nhân rồi đấy! Họ chưa có T.X.Đ! Hãy gửi bài viết này cho họ!

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét